BỊ NGẤT XỈU TẠM THỜI, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA HIỆU QUẢ

Chủ nhật - 21/01/2024 21:05
TRƯỜNG THCS NGUYỄN ĐỨC LƯỢNG
 
BỊ NGẤT XỈU TẠM THỜI
NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA HIỆU QUẢ

Ngất xỉu tạm thời là một tình trạng khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi đối tượng, kể cả trường hợp bạn không có bất kỳ vấn đề về sức khỏe nào. Khi đó, lượng oxy đến não bị giảm nhẹ khiến bạn tạm thời bị ngất đi. Tình trạng này thường không nghiêm trọng, nhưng đôi khi có thể là biểu hiện của một bệnh lý tiềm ẩn. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu rõ về nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả.

1.Ngất xỉu tạm thời là gì?

Ngất xỉu tạm thời là tình trạng mất ý thức trong một thời gian ngắn, khiến bạn ngồi sụp xuống hoặc ngã xuống đất. Hầu hết mọi người đều có thể tự hồi phục ý thức sau vài giây hoặc vài phút, có thể nhớ được cảm giác hơi chóng mặt, buồn nôn trước khi ngất xỉu.
Bất cứ ai cũng có thể bị ngất xỉu đột ngột dù không gặp vấn đề gì về sức khỏe. Thông thường, ngất xỉu tạm thời liên quan đến căng thẳng, mệt mỏi trong công việc, cuộc sống hằng ngày. Khi bị ngất, lượng máu cung cấp đến não bị giảm nhẹ. Trong hầu hết các trường hợp, ngất xỉu tạm thời là vô hại, nhưng đôi khi nó cũng có thể trở nên nghiêm trọng khi nó là dấu hiệu của bệnh lý như rối loạn nhịp tim, có nguy cơ tử vong. Do đó, việc xác định được nguyên nhân gây ngất xỉu tạm thời là rất quan trọng.

2.3.Các dấu hiệu cảnh báo ngất xỉu tạm thời thường gặp

Trước khi sắp ngất xỉu, sẽ có nhiều biểu hiện khác nhau ở mỗi trường hợp. Một số dấu hiệu cảnh báo bạn sắp ngất xỉu tạm thời thường gặp nhất là:
  • Có cảm giác lâng lâng;
  • Nói lắp, giọng nói hơi run;
  • Chóng mặt, đứng không vững, người run rẩy;
  • Đột nhiên thấy nóng và đổ mồ hôi;
  • Đau đầu;
  • Cảm thấy buồn ngủ;
  • Đứng không vững;
  • Căng thẳng hoặc lo lắng;
  • Tim đập nhanh bất thường;
  • Người mệt mỏi, không có sức;
  • Mắt bị mờ dần, nhìn thấy các đốm, bị mờ dần hoặc tầm nhìn ngắn;
  • Có cảm giác âm thanh đột nhiên ở rất xa;
  • Cảm thấy tối sầm lại, mọi thứ chuyển sang một màu đen.

3.Nguyên nhân bị ngất xỉu tạm thời

* Đứng lên quá nhanh

Đây là nguyên nhân khá thường gặp khiến nhiều người dễ rơi vào trạng thái choáng váng, ngất tạm thời. Khi đứng lên một cách đột ngột, máu bị dồn xuống chân mà không tới não đủ và kịp thời, gây ra tình trạng ngất tạm thời. Vì vậy, bạn nên lưu ý khi đang ngồi hoặc nằm thì không nên đứng lên quá nhanh mà hãy cho cơ thể một thời gian nhất định, từ từ đứng dậy.

* Ăn uống không đủ

Khi bạn quá đói, lượng đường trong máu thấp, nhất là ở những người bị bệnh tiểu đường thì nguy cơ bị ngất hoàn toàn có thể xảy ra. Nhịn ăn quá lâu hoặc chế độ ăn kiêng không khoa học khiến cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng, não không nhận đủ nhiên liệu để hoạt động, từ đó có thể dẫn đến ngất xỉu tạm thời.
Ngoài ra, khi bạn không uống đủ nước, cơ thể bị mất nước sẽ khiến huyết áp giảm xuống và gây ngất xỉu.

* Quá nóng

Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên do nắng nóng, trong cơ thể sẽ diễn ra các cơ chế điều tiết giữ thân nhiệt như thở nhanh, giãn mạch dưới da, toát mồ hôi,… Điều này khiến cho cơ thể bị mất nước, làm rối loạn nước điện giải, dễ gây tăng thân nhiệt, ngất xỉu.

* Quá tức giận, khó chịu

Cảm xúc tiêu cực làm giải phóng hormone căng thẳng, khiến bạn càng trở nên khó chịu, cáu kỉnh hơn. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến dây thần kinh kiểm soát huyết áp. Nếu tụt huyết áp đột ngột sẽ gây ra tình trạng ngất xỉu tạm thời.

* Vấn đề tim mạch

Các vấn đề về tim có thể làm gián đoạn lượng máu và oxy đến não, gây ngất xỉu như: Rối loạn nhịp tim, bị hẹp hoặc tắc nghẽn van tim, đau tim, hẹp động mạch chủ, thiếu máu cơ tim cục bộ, suy tim,… Ngất xỉu do vấn đề ở tim nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến tử vong.

* Do các loại thuốc làm hạ huyết áp

Một số loại thuốc hạ làm hạ huyết áp có thể khiến mức huyết áp của bạn bị giảm nhiều hơn so với mức mong muốn và gây ra ngất như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh Canxi, thuốc ức chế men chuyển Angiotensin,… Hoặc trường hợp lạm dụng loại thuốc này cũng sẽ khiến bạn dễ bị ngất tạm thời.

* Sử dụng nhiều rượu

Rượu ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể theo chiều hướng làm giảm nồng độ đường trong máu. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, hồi hộp, chóng mặt, ngất xỉu và có thể co giật. Ngoài ra, lạm dụng rượu sẽ khiến cơ thể bài tiết nước tiểu nhiều, dễ rơi vào trạng thái mất nước, cũng có thể dẫn đến ngất.

* Tăng thông khí

Đây là tình trạng hô hấp vượt quá mức nhu cầu của cơ thể, phá vỡ sự cân bằng của việc hít dưỡng khí và đào thải CO2 ra ngoài. Sự biến đổi hàm lượng khí CO2 trong máu dẫn đến thay đổi tính chất nội mô, não không được nhận đủ lượng oxy cần thiết, gây ra nhiều rối loạn khác nhau, trong đó có ngất xỉu.

4.Ngất xỉu tạm thời có sao không?

Ở hầu hết các trường hợp, ngất xỉu tạm thời thường không quá nghiêm trọng. Vì người bệnh có thể tự tỉnh lại, hồi phục ý thức chỉ trong vài giây hoặc vài phút. Nó chủ yếu có liên quan đến sự mệt mỏi, căng thẳng hoặc do lối sống thiếu khoa học. Não bị thiếu máu tạm thời, nhưng bạn có thể nhanh chóng tự hồi phục lại trong thời gian rất ngắn. Do đó, bạn không cần phải quá lo lắng trong trường hợp này.
Tuy nhiên, tình trạng ngất đôi khi có thể nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu nó có liên quan đến bất thường ở tim. Hoặc ngất xỉu tạm thời thường xuyên diễn ra cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp vấn đề về bệnh lý nghiêm trọng. Chính vì vậy, nếu tần suất bạn bị ngất xỉu tạm thời tái diễn nhiều lần, hoặc bị ngất lâu thì bạn nên đến bệnh viện kiểm tra, tránh các biến chứng do vấn đề về tim gây ra.

5.Cần làm gì khi gặp tình trạng ngất xỉu tạm thời?

* Sơ cứu cho người bệnh ngất tạm thời

Khi một người ở gần bạn bị ngất xỉu tạm thời, bạn có thể thực hiện sơ cứu tạm thời bằng cách:
  • Để bệnh nhân ở nơi thoáng, đảm bảo đường thở được thông thoáng, không nên tụ tập nhiều người xung quanh, vì như vậy sẽ khiến việc hít thở của bệnh nhân trở nên khó khăn hơn;
  • Để người bị ngất nằm ngửa, tựa đầu vào giữa hai đầu gối của bạn hoặc nâng hai chân của người đó lên cao hơn tim;
  • Nới lỏng thắt lưng, cổ áo, quần áo;
  • Kiểm tra xem người bệnh còn thở hay không;
  • Kiểm tra xem nhịp tim người bệnh có đập hay không;
  • Hô hấp nhân tạo nếu người đó không thở hoặc mạch quá yếu;
  • Nhanh chóng gọi xe cấp cứu nếu nhận thấy người bệnh bị thương.
Sau khi người bị ngất xỉu tỉnh dậy, bạn nên khuyến khích bệnh nhân ngồi hoặc nằm nghỉ thêm 10-15 phút để khỏe lại hoàn toàn. Trường hợp nhận thấy có vết thương thì nên đưa đến bệnh viện để kiểm tra kỹ hơn.

* Khi bản thân có dấu hiệu của tình trạng ngất xỉu tạm thời

Nếu bạn nhận thấy có dấu hiệu sắp ngất xỉu tạm thời, hãy dừng công việc đang làm lại và ngồi hoặc nằm xuống. Cố gắng hạ thấp cơ thể xuống và đưa hai chân lên cao hơn so với đầu. Như vậy sẽ giúp hỗ trợ tăng lưu lượng máu đến não trở lại, ngăn chặn được cơn ngất xỉu. Trong trường hợp bạn ngất xỉu, thì việc bạn đã ngồi hoặc nằm trước đó sẽ giúp hạn chế được bị thương do ngã.
Nếu ngất xỉu tạm thời xuất hiện liên tục hoặc bạn luôn cảm thấy mình sắp xỉu thì nên gọi bác sĩ để được hỗ trợ. Trường hợp bác sĩ yêu cầu bạn đến bệnh viện để làm các xét nghiệm khác thì bạn nên nhờ người thân đưa đến bệnh viện, không nên tự lái xe đi vì bạn có thể ngất trong lúc tham gia giao thông.

6.Đến gặp bác sĩ khi tình trạng ngất xỉu tạm thời xảy ra thường xuyên

Mặc dù đa số các trường hợp bị ngất xỉu tạm thời đều vô hại, nhưng bạn không nên chủ quan nếu nó lặp lại nhiều lần. Bởi nếu ngất xỉu tạm thời là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề có liên quan đến bệnh lý tim mạch hoặc bệnh lý mạch máu não thì điều đó thật sự trở nên nguy hiểm.
Do đó nếu tiền sử bạn đã có ngất xỉu, bạn nên đến bệnh viện gặp bác sĩ để được kiểm tra kỹ hơn. Dựa vào triệu chứng và mức độ nặng của mỗi lần ngất xỉu, kết hợp với tiền sử bệnh, bác sĩ cho chỉ định bạn làm các xét nghiệm khác để có được chẩn đoán chính xác. Từ đó, đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bạn.

7. Cách phòng ngừa tình trạng ngất xỉu tạm thời xảy ra

Bạn có thể phòng ngừa tình trạng ngất xỉu tạm thời bằng các biện pháp như sau:
  • Ăn uống điều độ, đủ bữa. Có thể chia ra thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày;
  • Uống đủ nước mỗi ngày;
  • Nếu tính chất công việc cần phải đứng trong thời gian dài, bạn nên cố gắng di chuyển chân, lắc chân và không khóa đầu gối lại;
  • Tránh làm việc gắng sức trong điều kiện thời tiết nắng nóng;
  • Luyện tập thể dục thường xuyên, cường độ tập vừa phải để nâng cao thể trạng, hạn chế được tình huống ngất xỉu;
  • Khi bạn cảm thấy đột ngột lo lắng, có dấu hiệu sắp ngất đi, hãy hít thở sâu để cố gắng bình tĩnh lại;
  • Nếu bạn đang điều trị bệnh lý về tim mạch, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ;
  • Cần báo ngay cho bác sĩ các bất thường hoặc tác dụng phụ khi sau khi uống thuốc;
  • Kiểm tra sức khỏe theo định kỳ.


                                                                                                     Nhân viên y tế


                                                                                                           Trần Thị Chuyên

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Vun đắp ước mơ
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó.”
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam "Tổ quốc bên bờ sóng" năm 2022 diễn ra từ tháng 6-8/2022. Vòng thi chung kết toàn quốc được tổ chức trực tiếp vào tháng 9-10/2022 tại Hà Nội.

Cách thức tham gia:

Cách 1: Truy cập website http://www.toquocbenbosong.vn để đăng ký, đăng nhập thông tin tham gia cuộc thi.

Cách 2: Tải ứng dụng "Tổ quốc bên bờ sóng" trên điện thoại di động từ kho ứng dụng App Store hoặc CH Play.

Cách 3: Truy cập gián tiếp thông qua các banner mời tham cuộc thi được đăng tải trên giao diện trang chủ của các cơ quan báo chí, truyền thông để đăng ký tham gia cuộc thi.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây