Thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Ca trù vốn là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, được sử dụng khá đa dạng trong nhiều không gian, chức năng văn hóa- xã hội khác nhau. Bên cạnh việc phục vụ lễ nghi, tín ngưỡng một nghi thức quan trọng của đời sống văn hóa cộng đồng, ca trù còn phục vụ nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật và vui chơi giải trí của các tầng lớp quan lại, nho sỹ,….Từ Ban nữ nhạc trong cung vua đến cô đầu, Ca trù có trên dưới một nghìn năm lịch sử. Một hiện tượng lâu bền như vậy không thể nào không ảnh hưởng sâu xa đến văn hóa dân tộc. Dựa vào các tài liệu và những lời truyền văn thì Ca trù xuất hiện ở nước ta từ thời Lý- Trần và hưng thịnh vào thời Lê- Trịnh. Ca trù không những gắn bó với đời sống hàng ngày của nhân dân, mà còn tích cực đóng góp vào công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Điều này được thể hiện qua các bài hiệu triệu lòng yêu nước ở thế kỷ XX gắn với tên tuổi của một số Hoàng Hậu, cung phi như bà Nguyễn Thị Bích Châu (vợ của vua Trần Duệ Tông), con gái Nguyễn Trãi (vợ vua Lê Thánh Tông), bà Đào Thị Mẫu (vợ vua Lê Anh Tông), bà Phùng Ngọc Đài (vợ vua Trịnh Tráng), bà Nguyễn Thị Huệ (vợ chúa Trịnh Cương),….từng dùng tiếng hát của mình làm diệu kế giết giặc, phò vua dựng nên nghiệp lớn và họ là những bậc vương giả giỏi đàn ca, giàu lòng yêu nước và thương dân, khi chết được dân lập đền thờ.
Thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Cuốn sách “Giai thoại các bậc tiền nhân mê hát ca trù và những đào nương lưu danh sử sách” được trình bày với các nội dung chính như: Ca trù qua các triều đại vua chúa; truyền thuyết về tổ nghề; giai thoại về các bậc tiền nhân mê hát Ca trù và những đào nương lưu danh sử sách; các di tích, đền thờ liên quan đến tổ nghề,…Nội dung các câu chuyện trong sách (bao gồm chuyện về các nhân vật lịch sử và dã sử, truyền thuyết, huyền thoại, giai thoại dân gian,…) là kết quả của nhiều năm lượm lặt trong khi đi điều tra, điền dã cũng như sưu tầm qua sách vở, tài liệu của 2 tác giả Phan Thư Hiền và Phan Hồng Lam. Cuốn sách như một món quà tinh thần giành cho độc giả và thể hiện tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ, sự tri ân của tác giả đối với các bậc tiền bối.
Mời quý thầy cô và các em tới thư viện nhà trường đón đọc cuốn sách “Giai thoại các bậc tiền nhân mê hát ca trù và những đào nương lưu danh sử sách” để hiểu hơn về nghệ thuật Ca trù- một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nói chung và của Văn hóa Việt Nam nói riêng.
Người viết
Lê Thùy Dung